Skip to content

Tiêu chuẩn TCVN 13456:2022 và TCVN 4879:1989 khi làm biển PCCC

Những năm gần đây chứng kiến một loạt các vụ cháy lớn nhỏ diễn ra trên khắp cả nước, gây ra tổn thất lớn về người và tài sản. Trước thực trạng này, Chính phủ đã siết chặt các quy định liên quan đến an toàn cháy nổ nhằm ngăn chặn những hậu quả tương tự trong tương lai. Một trong những biện pháp quan trọng là đảm bảo hệ thống biển báo PCCC được lắp đặt đúng chuẩn, giúp hướng dẫn mọi người kịp thời và chính xác trong các tình huống khẩn cấp, từ việc thoát hiểm đến việc sử dụng các thiết bị chữa cháy.

Tuy nhiên, làm biển PCCC không hề đơn giản mà đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn pháp luật.  Những tiêu chuẩn này đưa ra những yêu cầu cụ thể về kích thước, chất liệu, màu sắc và nội dung thông tin trên biển báo nhằm đảm bảo tính rõ ràng, dễ nhận diện và bền bỉ theo thời gian. Tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ giúp cửa hàng, doanh nghiệp và các khu vực công cộng đáp ứng đúng yêu cầu pháp lý mà còn nâng cao tính hiệu quả trong việc phòng chống và ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Những nơi nào cần trang bị biển PCCC?

Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy cũng nêu rõ về nội quy PCCC như sau:

Nội quy PCCC là một trong những điều kiện mang tính bắt buộc, cần đảm bảo thực thi tại các điểm:

  • Cơ sở kinh doanh do Công an quản lý: Nhà xưởng kinh doanh, sản xuất; kho hàng; khách sạn; nhà hàng; chung cư; công ty, doanh nghiệp,...
  • Khu dân cư;
  • Hộ gia đình sinh sống kết hợp cùng sản xuất, kinh doanh;
  • Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi;
  • Phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa;
  • Phương tiện giao thông đường sắt.

Không có nội quy PCCC theo yêu cầu bị xử phạt như thế nào?

Trường hợp không có nội quy PCCC theo yêu cầu thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có hoặc có nội quy phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Lưu ý: Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nội dung các loại biển PCCC

Căn cứ Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định Nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC như sau:

1. Nội quy PCCC và tiêu lệnh chữa cháy

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định mẫu nội quy PCCC một cách cụ thể. Tùy theo tình hình thực tế đối với khu vực sinh sống, kết cấu hạ tầng đối với doanh nghiệp và tiêu chuẩn kỹ thuật mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể quyết định mẫu nội quy sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, mẫu biển nội quy PCCC tiêu chuẩn phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động và bao gồm các nội dung sau:

  • Có quy định về việc quản lý và sử dụng điện, nguồn điện, nguồn nhiệt, các chất dễ gây cháy nổ và các dụng cụ sinh nhiệt, sinh lửa.
  • Có quy định về việc quản lý và sử dụng thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy.
  • Nêu ra những hành vi bị nghiêm cấm trong việc phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
  • Tiêu lệnh chữa cháy: Những việc cần làm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Dưới đây là một số mẫu nội quy PCCC mới nhất bạn có thể tham khảo:

Hai mẫu biển nội quy PCCC được sử dụng phổ biến
Hai mẫu biển nội quy PCCC được sử dụng phổ biến
Tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy
Tiêu lệnh chữa cháy

2. Sơ đồ chỉ dẫn về PCCC

Biển sơ đồ thoát hiểm phải thể hiện đường, lối thoát hiểm, vị trí bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy của khu vực, tầng nhà. Tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở, sơ đồ chỉ dẫn về PCCC có thể tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số nội dung nêu trên.

So_do_chi_dan_thoat_hiem.jpg (118 KB)
Sơ đồ chỉ dẫn thoát hiểm một tầng (Nguồn: TCVN 13456:2022)

3. Biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC

- Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm mang, sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng, các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa tại nơi sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất dễ cháy, nổ;

- Biển báo khu vực có nguy hiểm về cháy, nổ;

- Biển chỉ dẫn về PCCC, gồm: Biển chỉ hướng thoát hiểm, cửa thoát hiểm; biển chỉ vị trí trụ, cột, bể, bến lấy nước chữa cháy.

Một số loại biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn PCCC
Một số loại biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn PCCC

Quy cách các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC

Khi thi công biển PCCC, cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và quy định đã được ban hành. Cơ sở pháp lý cần tuân theo bao gồm TCVN 13456:2022 và TCVN 4879:1989 nhằm đảm bảo các biển báo được thiết kế đúng vị trí, kích thước, chất liệu, và màu sắc quy định.

Kích thước

Biển nội quy PCCC: 33cm x 46cm

Tiêu lệnh chữa cháy: 46cm x 33cm

Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát hiểm phụ thuộc vào đặc tính, tính chất hoạt động; diện tích của tầng, phòng; phương án thoát hiểm nhưng không được nhỏ hơn:

+ 60cm x 40cm - đối với sơ đồ chỉ dẫn tại tầng

+ 40cm x 30cm - đối với sơ đồ chỉ dẫn tại phòng

Kích thước của biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về PCCC cũng phụ thuộc vào diện tích tầng, phòng nhưng không được nhỏ hơn 10cm x 15cm.

Màu sắc và hình dáng

Chỉ sử dụng các màu sắc sau trắng, đen, đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh dương theo quy định của TCVN 5053:1990 - Màu sắc tín hiệu và dấu hiệu an toàn 

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4879:1989 (ISO 6309:1987) quy định về các dấu hiệu an toàn trong PCCC như sau:

  • Các ký hiệu liên quan tới:
    1. Các phương tiện báo động cháy (chuông báo cháy, điện thoại khẩn cấp,..): Hình vuông hoặc chữ nhật, nền đỏ, biểu tượng màu trắng
    2. Các phương tiện thoát hiểm (kí hiệu exit, cửa, mũi tên chỉ hướng…): Hình vuông hoặc chữ nhật, nền xanh lá cây, biểu tượng màu trắng
    3. Các phương tiện chống cháy (bình chữa cháy, vòi chữa cháy, thang/dây thoát hiểm): Hình vuông hoặc chữ nhật, nền đỏ, biểu tượng màu trắng
    4. Khu vực có vật liệu có nguy cơ nguy hiểm cháy đặc biệt (cảnh báo cháy/nổ, cấm hút thuốc, cấm ngọn lửa trần,...): Biển báo nguy hiểm hình tam giác viền đen, nền vàng, biểu tượng đen. Biển báo cấm hình tròn viền và đường cắt chéo màu đỏ, nền trắng, biểu tượng màu đen
  • Văn bản: font chữ không chân, nền đỏ chữ trắng/vàng, nền trắng chữ đỏ/xanh/đen, nền xanh lá/xanh dương chữ trắng, nền đen chữ trắng, nền vàng chữ đen

Vật liệu

Theo quy định pháp luật Việt Nam, vật liệu làm biển báo phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải đáp ứng các tiêu chuẩn về độ bền, khả năng chịu nhiệt và khả năng chống cháy để đảm bảo an toàn trong các tình huống khẩn cấp. Một số loại vật liệu phổ biến được sử dụng bao gồm: inox, polycarbonate, mica, aluminium, foamex, decal thường/decal phản quang,... 

Quy định về lắp đặt, treo các biển PCCC

Lắp đặt biển PCCC phải tuân theo cơ sở pháp lý TCVN 13456:2022 để để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong công tác phòng cháy chữa cháy. 

Tiêu lệnh chữa cháy và biển nội quy PCCC cần phải được treo ngang tầm mắt ở các vị trí dễ nhìn như: sảnh, khu văn phòng, hành lang nơi nhiều người qua lại và nên đặt gần bình chữa cháy. Nhờ vậy, khi có sự cố hỏa hoạn, mọi người sẽ biết cách xử lý kịp thời. Để treo hai loại biển này, có thể sử dụng băng dính hai mặt hoặc đóng đinh cố định.

Biển cấm hút thuốc lá, biển cấm lửa và biển cảnh báo cháy nổ nên được đặt tại cùng vị trí hoặc tại khu vực văn phòng và kho chứa hàng hóa dễ cháy.

Vị trí lắp các biển PCCC
Vị trí lắp đặt các loại biển PCCC

Biển sơ đồ thoát hiểm được gắn sao cho mép dưới của sơ đồ chỉ dẫn thoát hiểm nằm ở độ cao 1,5 m ± 0,2 m so với mặt sàn.

Đối với biển chỉ dẫn thoát hiểm:

  • Lắp đặt biển báo chỉ dẫn lối ra thoát hiểm (EXIT) ở tất cả các lối ra vào của cầu thang bộ thoát hiểm, các đường thoát hiểm trên tầng nhà và tất cả các lối ra của gian phòng có từ 02 lối ra thoát hiểm trở lên
  • Biển chỉ dẫn thoát hiểm phải lắp đặt ở độ cao từ 2m đến 2,7m so với mặt sàn, hoặc ngay trên cửa nếu cửa có chiều cao lớn hơn 2,7m. Các khu vực không được bảo vệ chống khói khiến khói tích tụ có thể che khuất thì biển chỉ dẫn thoát hiểm nên được gắn thấp hơn trần nhà tối thiểu 0,5 m để tránh bị ngập khói và không được lắp đặt biển chỉ dẫn thoát hiểm được chiếu sáng từ bên ngoài.
  • Chiều cao nhỏ nhất của biển chỉ dẫn thoát hiểm được xác định theo công thức sau:

h =L
Z
 

Trong đó:

h – chiều cao nhỏ nhất của biển chỉ dẫn thoát hiểm (m);

L – khoảng cách quan sát (m);

Z – hằng số, trong đó Z bằng 100 cho các biển chỉ dẫn thoát hiểm được chiếu sáng từ bên ngoài và bằng 200 cho các biển chỉ dẫn thoát hiểm chiếu sáng từ bên trong.

Xác định chiều cao nhỏ nhất của biển chỉ dẫn thoát hiểm
Xác định chiều cao nhỏ nhất của biển chỉ dẫn thoát hiểm (exit sign)

Tóm lại, trong bối cảnh ngày càng gia tăng các vụ cháy nổ, việc đảm bảo biển báo PCCC rõ ràng, đúng quy cách sẽ giúp người dân và nhân viên nhận diện và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời trong tình huống khẩn cấp. Do đó, các cơ sở kinh doanh, khu dân cư và các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn cháy nổ, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của cộng đồng.

5/5 (1 bầu chọn)