Bên ngoài công trình
Hàng rào quanh công trình
Theo quy định, tất cả các công trình đang thi công dù lớn hay nhỏ đều cần thi công hoarding - quây bạt che công trình để cung cấp thông tin chi tiết về dự án, bao gồm diện tích, mật độ xây dựng, nhà đầu tư và nhà thầu. Chức năng chính của hàng rào không chỉ là ngăn chặn người ngoài ra vào khu vực thi công, mà còn bảo vệ tài sản và thiết bị bên trong khỏi những rủi ro và tổn thất không mong muốn.
Hàng rào công trình thường được làm từ các vật liệu chắc chắn như sắt, tôn, alu hoặc bạt, với chiều cao tối thiểu từ 1,8 đến 2 mét để ngăn chặn sự xâm nhập của người lạ vào khu vực thi công. Ngoài tác dụng rào chắn, nó còn là một công cụ hữu ích để quảng bá thương hiệu và tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho dự án lẫn các doanh nghiệp thuê quảng cáo, góp phần làm đẹp cho không gian đô thị.
Biển báo hiệu phía trước có công trường thi công
Theo QCVN 41:2019/BGTVT - Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành bởi Bộ Giao thông Vận tải, để báo cho người tham gia giao thông biết phía trước có công trường thi công, xây dựng, cần phải đặt biển số I.441 (a,b,c) "Báo hiệu phía trước có công trường thi công".
Biển số I.441 (a,b,c) được đặt ở hai đầu đoạn thi công và cách hai đầu đoạn thi công 500m, 100m và 50m. Trong trường hợp đường 1 chiều thì chỉ cần đặt cho chiều đi tới. Tùy theo qui mô giao thông, tốc độ xe chạy mà số lượng biển và cự ly báo có thể điều chỉnh cho phù hợp trong phương án tổ chức giao thông.
Biển báo công trường và đi chậm
Cũng trong QCVN 41:2019/BGTVT, để báo trước gần tới đoạn đường đang tiến hành thi công, đặt biển số W.227 báo hiệu "Công trường" và biển số W.245 “Đi chậm". Khi gặp biển báo này tốc độ xe chạy phải giảm cho thích hợp, không gây nguy hiểm.
Bên trong công trình
Biển nội quy công trường
Công trường xây dựng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Nhiều khi, công nhân và kỹ sư có thể chủ quan, lơ là việc thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động. Vì vậy, việc lắp đặt biển nội quy công trường là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tối đa các sự cố không mong muốn.
Biển nội quy công trường nhằm thông báo tới toàn thể công nhân viên và các nhà thầu về các quy định trong công việc, giờ giấc và tác phong tại nơi làm việc. Chúng thường được đặt ở nơi ra vào công trường và những nơi nhiều người qua lại để toàn bộ công nhân viên đều dễ dàng nhìn thấy và tuân thủ theo.
Cụ thể, biển nội quy công trường thường bao gồm các thông tin sau:
- Tên, địa chỉ công trường và thông tin liên hệ
- Quy định an toàn: Các quy định về an toàn lao động, như bắt buộc đội mũ bảo hộ, mặc áo phản quang, giày bảo hộ…
- Quy định vệ sinh: Các quy định về giữ gìn vệ sinh công trường, như không xả rác bừa bãi.
- Quy định giờ làm việc: Giờ bắt đầu và kết thúc làm việc, thời gian nghỉ trưa.
- Các quy định khác: Bao gồm các quy định riêng biệt như cấm hút thuốc, cấm tiếp khách không phận sự vào công trường, không uống rượu, bài bạc trong ca trực,...
Biển báo cấm
Biển báo cấm có hình tròn, nền trắng, kí hiệu đen, viền và gạch chéo ở giữa màu đỏ, dùng để cấm người hoặc phương tiện, thiết bị ở khu vực đặt biển.
Nhóm biển báo cấm gồm:
- Biển báo cấm vào: Cấm tất cả mọi người cũng như phương tiện vào trong khu vực trừ những người có nhiệm vụ cụ thể.
- Biển báo cấm người vào: Là loại biển báo cấm tuyệt đối người vào trong khu vực cấm, nhưng cho phép các loại phương tiện, máy móc vẫn được vào bình thường.
- Biển báo cấm phương tiện, các thiết bị đi vào: Biển này đặt ở những khu vực có nền đất yếu, dễ sạt lở,... để ngăn cấm các phương tiện và thiết bị di chuyển vào, trong khi vẫn cho phép người ra vào.
- Biển cấm hút thuốc lá: Biển thường được đặt ở những nơi có nguy cơ cháy nổ cao hoặc trong không gian kín.
- Biển cấm lửa: Đặt tại các khu vực chứa nhiên liệu hoặc nguyên liệu dễ cháy nổ.
- Biển cấm điện thoại: Được đặt ở nơi chứa xăng, dầu hoặc các thiết bị thông tin liên lạc để tránh tình trạng gây nhiễu.
Biển cảnh báo nguy hiểm
Biển cảnh báo nguy hiểm có hình tam giác, nền vàng, kí hiệu và viền đều màu đen, mô tả các mối nguy hiểm có thể xuất hiện để giúp mọi người nâng cao ý thức đề phòng.
Nhóm biển cảnh báo nguy hiểm gồm có:
- Biển báo nguy hiểm chung: Được lắp đặt ở bất kỳ vị trí nào có rủi ro để mọi người chú ý và cẩn trọng.
- Biển báo nguy hiểm cháy nổ: Đặt tại các khu vực có nguy cơ cao về cháy nổ.
- Biển nguy hiểm điện giật: Bố trí ở những nơi dễ xảy ra sự cố điện, có khả năng gây giật điện.
- Biển nguy hiểm khi làm việc với máy móc: Được đặt tại các khu vực có máy móc, thiết bị nhằm nhắc nhở người lao động cảnh giác.
- Biển nguy hiểm về vị trí cẩu: Bố trí tại khu vực cẩu vật nặng, cảnh báo nguy cơ đồ vật có thể rơi.
- Biển nguy hiểm trượt ngã: Đặt tại cầu thang hoặc những nơi có nguy cơ trơn trượt, dễ gây ngã.
Biển quy định bắt buộc
Biển quy định bắt buộc có hình tròn, nền xanh dương và kí hiệu trắng, sử dụng để yêu cầu hành động bắt buộc phải thực hiện đối với công nhân, cán bộ trên công trường.
Nhóm biển quy định bắt buộc gồm có:
- Biển báo bắt buộc đội mũ bảo hộ: Thường được đặt ở lối vào công trường để yêu cầu mọi người phải đội mũ bảo hộ trước khi vào khu vực thi công.
- Biển báo bắt buộc mặc quần áo bảo hộ: Được đặt tại lối vào công trường, biển báo này yêu cầu tất cả công nhân phải mặc trang phục bảo hộ khi vào trong, ngoại trừ nhân viên hành chính và dịch vụ.
- Biển báo bắt buộc đeo dây an toàn: Được lắp đặt tại những khu vực làm việc trên cao, yêu cầu công nhân phải sử dụng dây an toàn khi thực hiện nhiệm vụ ở các vị trí này.
Biển chỉ dẫn an toàn
Biển chỉ dẫn an toàn có thể được coi là đối lập với biển cảnh báo nguy hiểm. Thay vì cảnh báo bạn về các mối nguy hiểm, chúng thông báo cho bạn biết vị trí an toàn. Biển chỉ dẫn an toàn thường có hình vuông hoặc hình chữ nhật nền màu xanh lá cây, với biểu tượng hoặc chữ trắng.
Ví dụ tiêu biểu của nhóm biển chỉ dẫn an toàn là:
- Biển sơ đồ thoát hiểm (exit sign): chỉ dẫn lối ra an toàn trong trường hợp khẩn cấp, giúp mọi người nhanh chóng tìm được đường thoát ra ngoài.
- Biển báo sơ cứu cấp cứu (first aid): cho biết vị trí của bộ dụng cụ sơ cứu, đảm bảo người lao động có thể nhanh chóng tiếp cận khi cần thiết.