Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người xung quanh qua hiện tượng hút thuốc thụ động. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO),mỗi năm có khoảng 890.000 ca tử vong trên toàn cầu do tác hại của thuốc lá thụ động, trong đó 64% số ca tử vong là nữ. Không những ảnh hưởng đến sức khỏe người trưởng thành, khói thuốc còn là mối nguy hại lớn đối với trẻ em, gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, đột quỵ, hen suyễn và các bệnh về phổi. Chính vì vậy, việc quản lý và kiểm soát hành vi hút thuốc, đặc biệt là việc treo biển cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng là rất quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Yêu cầu chung đối với tất cả địa điểm cấm hút thuốc lá
Biển cấm hút thuốc lá, cũng như biển cấm lửa, là một loại biển bắt buộc phải có cùng với biển nội quy PCCC. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BYT quy định về việc thực hiện các địa điểm cấm hút thuốc lá. Mục tiêu của thông tư này là làm giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các địa điểm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và môi trường. Theo đó, tất cả các địa điểm cấm hút thuốc lá cần phải:
- Có đặt, in, bố trí biển hoặc chữ hoặc biểu tượng với nội dung cấm hút thuốc lá.
- Biển cấm hút thuốc lá phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn;
- Chất liệu biển bền, khó phai; biển đặt ngoài trời chịu được tác động của môi trường bên ngoài;
- Kích thước, cỡ chữ của biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ đậm, dễ đọc; màu chữ, biểu tượng tương phản với màu nền;
- Biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng: có phản quang hoặc chiếu sáng biển hoặc hình thức phù hợp khác để bảo đảm dễ nhìn.
- Việc đặt biển cấm hút thuốc lá bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Khoảng cách giữa các biển phù hợp với quy mô, không gian của từng địa điểm;
- Đặt biển ở vị trí dễ quan sát, khu vực có nhiều người qua lại; cổng vào khu vực khuôn viên, khu vực để xe ngoài trời; đối với khu vực trong nhà đặt tại cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ, trong thang máy, hành lang có mái che, nhà để xe, nhà vệ sinh.
1. Các địa điểm cấm hút thuốc lá
1.1. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên
Tất cả các địa điểm dưới đây phải có biển cấm hút thuốc lá tại khu vực khuôn viên.
- Cơ sở y tế: Tối thiểu đặt biển tại khu vực khám bệnh, buồng bệnh, căng tin, nhà ăn.
- Cơ sở giáo dục: Tối thiểu đặt biển tại hội trường, phòng họp, phòng làm việc, khu vực phòng học, phòng bảo vệ, thư viện, phòng đa năng, căng tin, nhà ăn, khu vực phòng nghỉ nội trú, bán trú.
- Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em: Tối thiểu đặt biển tại phòng họp, phòng sinh hoạt chung, nhà ăn, phòng nghỉ và các khu vực cần thiết khác có trẻ em.
- Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao theo quy định tại Phụ lục số II “Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ” ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy”: đặt biển tại nơi có chứa nguồn nguy cơ cháy nổ.
1.2. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà
- Nơi làm việc trong nhà của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trừ các địa điểm quy định tại 1.1 và 1.4
- Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng: cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, chợ, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động, nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và địa điểm công cộng khác, trừ các địa điểm quy định tại 1.1 và 1.4
Các địa điểm trên tối thiểu phải đặt biển ở phòng làm việc, hội trường, phòng họp, phòng bảo vệ, căng tin, nhà ăn.
1.3. Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn
- Ô tô;
- Tàu bay;
- Tàu điện.
Biển được đặt ở vị trí phía khoang lái để mọi người ngồi trong phương tiện giao thông công cộng dễ quan sát, ở vị trí các cửa lên xuống.
1.4. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
- Khu vực cách ly của sân bay;
- Quán bar, quán karaoke, vũ trường;
- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác;
- Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
Chất liệu và thiết kế biển cấm hút thuốc lá
Khi lựa chọn chất liệu và thiết kế biển cấm hút thuốc, cần chú ý đến độ bền, tính thẩm mỹ và khả năng thu hút sự chú ý của người nhìn. Biển hiệu cấm hút thuốc cần truyền tải thông điệp rõ ràng, dễ nhận diện và phù hợp với từng không gian khác nhau. Dưới đây là các yếu tố cần lưu ý trong việc lựa chọn chất liệu và thiết kế biển cấm hút thuốc:
Chất liệu biển
- Mica: Lựa chọn phổ biến cho biển hiệu với chi phí thấp, dễ sản xuất và thay thế. Biển mica dán decal mang lại sự linh hoạt trong thay đổi nội dung và dễ dàng in ấn.
- Inox: Thích hợp cho các khu vực sang trọng như khách sạn, nhà hàng hay các tòa nhà văn phòng cao cấp. Biển inox có độ bền cao, khả năng chống ăn mòn và giữ màu sắc bền lâu. Đồng thời, chúng mang lại vẻ ngoài chuyên nghiệp, lịch sự và hiện đại cho không gian.
- Alu: Chất liệu này rất nhẹ, dễ gia công và tạo thành những biển cấm hút thuốc có độ bền cao, nhưng chi phí vừa phải. Alu là lựa chọn lý tưởng cho các công trình có yêu cầu về tính thẩm mỹ nhưng cần tiết kiệm chi phí.
- Decal phản quang 3M: chất liệu decal phản quang 3M là một sự lựa chọn hiệu quả để đảm bảo biển có thể dễ dàng nhìn thấy trong mọi điều kiện ánh sáng. Decal phản quang 3M không chỉ tăng cường khả năng nhận diện trong môi trường thiếu sáng mà còn có độ bền cao, chống phai màu theo thời gian, giúp biển luôn rõ ràng và sắc nét.
Thiết kế biển
- Biển thường có vuông hoặc hình chữ nhật với biểu tượng cấm hút thuốc hình tròn, viền và đường cắt chéo màu đỏ, biểu tượng hút thuốc màu đen, nền trắng theo đúng tiêu chuẩn TCVN 4879:1989 (ISO 6309:1987). Thiết kế này giúp người nhìn dễ dàng nhận biết và hiểu ngay thông điệp mà biển muốn truyền tải.
- Kích thước biển phụ thuộc vào diện tích không gian nơi đặt biển, nhưng không được nhỏ hơn 10cm x 15cm.
Tóm lại, việc treo biển cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng và nơi làm việc là yêu cầu quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tuân thủ các quy định pháp luật. Các quy định về chất liệu, thiết kế và vị trí của biển cấm hút thuốc đều hướng đến việc đảm bảo tính rõ ràng, dễ nhận diện và khả năng duy trì hiệu quả trong mọi điều kiện môi trường.